Penetration Testing là gì?
Penetration Testing (Pentest) hay còn được gọi là Kiểm thử xâm nhập. Pentest là quá trình giả lập các cuộc tấn công nhằm đánh giá khả năng bảo mật của hệ thống, ứng dụng hoặc mạng. Mục tiêu của Pentest là phát hiện và khắc phục kịp thời các lỗ hổng có thể bị tin tặc khai thác, bảo vệ dữ liệu quan trọng và giảm thiểu rủi ro an ninh.
Thông qua Penetration Testing, doanh nghiệp không chỉ xác định được các điểm yếu mà còn nâng cao khả năng ứng phó với các sự cố bảo mật. Pentest có thể được áp dụng cho nhiều đối tượng như: hệ thống máy tính, ứng dụng web, ứng dụng di động, hạ tầng mạng, API, cloud, IoT hay phần mềm SaaS.
Trong đó, Pentest web app và mobile app là hai lĩnh vực phổ biến nhất. Việc thực hiện Pentest định kỳ giúp doanh nghiệp chủ động phòng ngừa rủi ro và đảm bảo an toàn thông tin tối đa.
Lịch sử phát triển Pentest
Vào những năm 1960, khi khả năng trao đổi dữ liệu qua mạng máy tính phát triển, các chuyên gia đã cảnh báo nguy cơ về tấn công mạng, đặc biệt là vào hệ thống chính phủ và doanh nghiệp. Tại Hội nghị Máy tính Chung Thường niên năm 1967, thuật ngữ “penetration” (xâm nhập) lần đầu tiên được thảo luận như một mối đe dọa nghiêm trọng đối với an ninh mạng.
Cuối năm 1967, tập đoàn RAND hợp tác với Cơ quan Dự án Nghiên cứu Tiên tiến (dARPA) để phát hành Willis Report – bản báo cáo đầu tiên về an ninh mạng. Bản báo cáo này đã đặt nền móng cho các chính sách bảo mật hiện đại. Chính phủ Mỹ sau đó đã hợp tác với doanh nghiệp, thành lập các nhóm chuyên biệt nhằm phát hiện lỗ hổng trong hệ thống và ngăn chặn nguy cơ xâm nhập trái phép.
Những nhóm Pentest đầu tiên, gọi là Tiger Teams, ra đời với nhiệm vụ mô phỏng các cuộc tấn công vào mạng máy tính để kiểm tra khả năng phòng thủ. Kết quả thu được cho thấy hầu hết các hệ thống khi đó đều “dễ dàng bị đánh bại”. Chiến dịch này khẳng định mọi hệ thống đều có thể bị xâm nhập và Pentest là một công cụ hiệu quả.
Các hình thức Penetration Testing là gì?
Penetration Testing có khá nhiều hình thức, phương pháp như External Testing, Targeted Testing, Double-blind Testing, Internal Testing,… Tuy nhiên phổ biến nhất tại Việt Nam có 3 hình thức đó là:
White Box Testing: Chuyên gia được cung cấp đầy đủ thông tin về hệ thống cần kiểm thử. Bao gồm địa chỉ IP, sơ đồ mạng, giao thức sử dụng và mã nguồn. Điều này giúp họ nhanh chóng phát hiện lỗ hổng bảo mật.
Gray Box Testing: Pentester chỉ nhận được một phần thông tin, như URL hoặc địa chỉ IP, nhưng không có quyền truy cập sâu vào hệ thống. Phương pháp này mô phỏng tình huống kẻ tấn công có hiểu biết hạn chế về mục tiêu.
Black Box Testing: Còn gọi là “Blind Testing”. Pentester không được cung cấp bất kỳ thông tin nào. Họ phải tự thu thập dữ liệu và tìm kiếm lỗ hổng từ đầu. Phương pháp này đòi hỏi nhiều thời gian và chi phí cao.
5 lý do doanh nghiệp không thể thiếu Penetration Testing
Với những thông tin trên, LANIT tin rằng bạn đã hiểu Penetration Testing là gì. Nếu bạn là doanh nghiệp hay cá nhân sở hữu web riêng thì chắc chắn không nên bỏ qua Penetration Testing vì 5 lý do sau:
Sự phát triển của Web App và Mobile App
Trong thời đại số, doanh nghiệp phải sử dụng website và ứng dụng di động để kết nối với khách hàng. Tuy nhiên, điều này cũng tạo ra nhiều nguy cơ an ninh, từ việc website và ứng dụng bị hack, đến việc dữ liệu khách hàng và thông tin quan trọng bị đánh cắp. Pentest giúp phát hiện các lỗ hổng bảo mật trước khi kẻ tấn công có thể lợi dụng.
Tại Yahoo, vào năm 2014, đã xảy ra một cuộc tấn công dữ liệu lớn, khiến thông tin của hơn 500 triệu tài khoản người dùng bị đánh cắp. Việc không thực hiện kiểm thử xâm nhập định kỳ là một phần nguyên nhân dẫn đến lỗ hổng bảo mật này. Sau sự kiện này, Yahoo đã tăng cường kiểm tra bảo mật và thực hiện Pentest định kỳ nhằm bảo vệ dữ liệu người dùng.
Xu hướng chuyển đổi số
Với sự gia tăng trong việc áp dụng công nghệ số như ERP, CRM, và IoT, các doanh nghiệp hiện đại mở rộng khả năng vận hành nhưng cũng làm tăng bề mặt dễ bị tấn công. Các hệ thống này, nếu không được bảo vệ đúng cách, có thể trở thành mục tiêu của tội phạm mạng.
Target, một nhà bán lẻ lớn tại Mỹ, đã bị tấn công mạng vào năm 2013, khi tin tặc xâm nhập hệ thống của công ty thông qua các thiết bị IoT trong chuỗi cung ứng. Hậu quả là hơn 40 triệu thẻ tín dụng và 70 triệu thông tin cá nhân của khách hàng bị đánh cắp. Sau vụ việc, Target đã áp dụng Pentest để phát hiện và sửa chữa lỗ hổng bảo mật trong hệ thống của mình.
Tăng cường sử dụng phần mềm SaaS
Với xu hướng sử dụng phần mềm dịch vụ (SaaS), IaaS, và PaaS thay cho phần mềm truyền thống, việc duy trì kết nối internet liên tục khiến các hệ thống dễ bị tấn công. Pentest sẽ giúp kiểm tra các nền tảng này để giảm thiểu nguy cơ bị gián đoạn dịch vụ và bảo vệ trải nghiệm người dùng.
Nền tảng CRM SaaS nổi tiếng, vào năm 2020 đã làm dữ liệu khách hàng bị lộ do một lỗ hổng trong hệ thống SaaS của họ. Sau sự cố, Salesforce đã thực hiện Pentest định kỳ để kiểm tra và khắc phục lỗ hổng bảo mật, bảo vệ thông tin khách hàng.
>>> Xem thêm: Lợi ích mà SaaS mang lại
Chủ động trong việc phòng ngừa
Pentest không chỉ giúp phát hiện lỗ hổng mà còn mang lại một phương pháp phòng ngừa chủ động. Các chuyên gia kiểm thử có thể mô phỏng các cuộc tấn công của hacker thực tế. Từ đó giúp doanh nghiệp nhận diện và khắc phục những điểm yếu mà các hệ thống bảo mật tự động khó có thể làm được.
Tuân thủ quy định, chuẩn mực an ninh
Ngày càng nhiều quốc gia và ngành nghề yêu cầu doanh nghiệp tuân thủ các tiêu chuẩn bảo mật và quy định về an toàn thông tin. Việc thực hiện Pentest định kỳ sẽ giúp doanh nghiệp không chỉ nâng cao bảo mật mà còn đảm bảo tuân thủ các quy định, tránh bị phạt hoặc ảnh hưởng đến uy tín.
Ưu và nhược điểm của Pentest
Bên cạnh những ưu điểm, lợi ích mà Pentest mang lại thì kiểm thử này còn có những mặt hạn chế như:
Ưu điểm | Nhược điểm |
Xác định các điểm yếu trong hệ thống | Chi phí đầu tư cao |
Tránh các cuộc tấn công gây thiệt hại nặng nề | Chỉ cung cấp kết quả tại thời điểm kiểm thử, nhất định |
Nâng cao ý thức bảo mật | Quy trình Pentest mất nhiều thời gian |
Giúp hệ thống hoạt động năng suất, ổn định | Phụ thuộc chủ yếu vào kinh nghiệm, kỹ năng của Pentester. Nếu không có trình độ cao sẽ khó nắm bắt được các cuộc tấn công tinh vi. |
Bảo mật các dữ liệu, thông tin quan trọng, nhạy cảm của doanh nghiệp | Có rủi ro gián đoạn dịch vụ nếu không thực hiện đúng cách |
Đem lại cái nhìn tổng quan, đánh giá cả hệ thống |
Khi nào nên triển khai Penetration Testing?
Theo lời khuyên từ các chuyên gia thì nên tiến hành Penetration Testing định kỳ hàng năm hoặc hàng quý. Định kỳ kiểm thử sẽ đảm bảo tối đa an ninh cho hệ thống IT, ứng dụng, hạ tầng. Ngoài ra mỗi lần cập nhật, điều chỉnh ứng dụng hạ tầng hay bổ sung hạ tầng mới cũng cần kiểm thử.
Penetration Testing được thực hiện khi chuyển địa điểm cần cài lại hệ thống. Bạn cũng cần kiểm thử khi cập nhật bản vá bảo mật hay điều chỉnh các chính sách bảo mật.
Đối tượng nào cần Pentest?
Không phải đối tượng nào cũng cần triển khai Penetration Testing. Thay vào đó cần đánh giá các yếu tố sau trước khi bắt đầu triển khai:
Quy mô và mức độ phức tạp của hệ thống
- Doanh nghiệp cần đánh giá kích thước và cấu trúc hệ thống IT. Bao gồm số lượng ứng dụng, máy chủ, mạng lưới, và cơ sở hạ tầng.
- Ví dụ: Một doanh nghiệp nhỏ chỉ có một website và vài ứng dụng đơn giản có thể không cần Pentest toàn diện như tập đoàn lớn với hệ thống phức tạp.
Mục tiêu và phạm vi Pentest
- Xác định rõ phạm vi Pentest. Kiểm tra toàn bộ hệ thống hay chỉ một phần cụ thể (website, ứng dụng mobile, API, mạng nội bộ)?
- Ví dụ: Nếu mục tiêu là bảo vệ dữ liệu khách hàng, phạm vi Pentest nên tập trung vào các hệ thống lưu trữ và xử lý dữ liệu nhạy cảm.
Ngân sách và chi phí
- Pentest yêu cầu ngân sách đáng kể. Đặc biệt nếu thực hiện bởi các công ty uy tín hoặc đối với hệ thống lớn. Một cuộc Pentest toàn diện có thể tốn từ vài ngàn đến hàng chục ngàn USD. Nên tuỳ từng trường hợp hãy áp dụng Pentest hiệu quả.
Các công cụ hỗ trợ Pentest cần biết
Có thể bạn chưa biết trong quá trình Pentest, có thể sử dụng các công cụ hỗ trợ đắc lực. Dưới đây là bảng liệt kê các công cụ đó:
Công cụ | Mục đích | Tính năng | Ví dụ thực tế |
Metasploit | Khai thác lỗ hổng bảo mật | Hàng trăm module khai thác, giao diện linh hoạt (CLI/GUI) | Kiểm tra lỗ hổng SQL Injection trên ứng dụng web. |
Nmap | Quét mạng và cổng kết nối | Quét thiết bị, dịch vụ, phát hiện OS | Phát hiện thiết bị lạ kết nối vào mạng nội bộ. |
Burp Suite | Kiểm thử ứng dụng web | Intercept, Scanner, phân tích HTTP/HTTPS | Mô phỏng tấn công giỏ hàng trên trang TMĐT. |
Nessus | Quét lỗ hổng bảo mật | Báo cáo chi tiết, tuân thủ PCI DSS, HIPAA | Phát hiện phần mềm lỗi thời trên máy chủ. |
Wireshark | Phân tích gói tin mạng | Giải mã lưu lượng mạng, giám sát giao thức | Phát hiện tấn công Man-in-the-Middle (MitM). |
Quy trình Penetration Testing là gì?
Quy trình Pentest chủ yếu sẽ theo 4 bước căn bản, đó là
Reconnaissance (Thu thập thông tin)
Thu thập thông tin là bước đầu tiên và quan trọng trong quy trình pentest, ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả kiểm thử. Pentester sẽ tìm kiếm các thông tin như địa chỉ website, đường dẫn quan trọng, phương thức mã hóa, loại và vị trí máy chủ, cấu hình hệ thống, email, số điện thoại,…
Công cụ thường được sử dụng bao gồm Google Search cho thông tin cơ bản, Nmap để quét mạng, Wireshark để phân tích gói tin và đôi khi là phân tích mã nguồn website. Giai đoạn này đòi hỏi sự tỉ mỉ và kỹ năng phân tích để không bỏ sót dữ liệu quan trọng.
Enumerate (Xác định cổng truy cập)
Bước tiếp theo, pentester sẽ tập trung xác định các cổng kết nối mà ứng dụng cho phép truy cập. Mục tiêu là phát hiện các cổng mở có thể trở thành điểm yếu để xâm nhập vào hệ thống. Quá trình này kết hợp giữa kinh nghiệm thực tiễn và các công cụ chuyên dụng như Nmap để quét cổng và Wireshark để phân tích luồng dữ liệu. Việc nhận diện chính xác các cổng giúp pentester khoanh vùng được những điểm có nguy cơ cao, từ đó xây dựng chiến lược kiểm thử hiệu quả.
Exploit (Khai thác lỗ hổng)
Sau khi thu thập đầy đủ thông tin và xác định các cổng truy cập tiềm năng, pentester sẽ tiến hành khai thác những lỗ hổng bảo mật đã phát hiện. Mục tiêu của bước này là xâm nhập thành công vào ứng dụng web hoặc mobile, chiếm quyền kiểm soát hệ thống hoặc truy cập vào các dữ liệu nhạy cảm. Pentester thường sử dụng các công cụ chuyên dụng như Metasploit hoặc Burp Suite, kết hợp với kỹ năng và tư duy như một hacker thực thụ để tìm ra cách vượt qua các lớp bảo mật. Kết quả khai thác thành công không chỉ giúp xác định mức độ nghiêm trọng của lỗ hổng mà còn cung cấp thông tin chi tiết để doanh nghiệp khắc phục kịp thời.
Documentation (Gửi báo cáo lỗ hổng)
Sau khi xâm nhập thành công vào hệ thống, pentester cần lập báo cáo chi tiết về các lỗ hổng và gửi cho đơn vị quản lý hệ thống để xác minh mức độ nghiêm trọng. Một phần quan trọng trong báo cáo là PoC (Proof of Concept), một đoạn mã mô phỏng cuộc tấn công để chứng minh lỗ hổng có thể bị khai thác trong thực tế. Nếu PoC bị phát tán trước khi có bản vá bảo mật, nó có thể trở thành Zero-day exploit.
Quá trình pentest kết thúc khi cả pentester và doanh nghiệp thống nhất báo cáo cuối cùng, làm rõ các lỗ hổng và mức độ ảnh hưởng của chúng. Việc chứng minh rõ ràng tác động của lỗ hổng là yếu tố quan trọng để thuyết phục tổ chức về mức độ nguy hiểm, giúp quá trình đàm phán trở nên hiệu quả hơn.
Các thuật ngữ trong Penetration Testing
Trong quá trình Pentest, bạn sẽ gặp một số thuật ngữ như:
Thuật ngữ | Mô tả |
Vulnerabilities | Lỗ hổng bảo mật. Điểm yếu trong hệ thống, phần mềm, dễ bị tấn công. |
Exploits | Kỹ thuật tấn công. Phương pháp hoặc mã độc được sử dụng để khai thác lỗ hổng bảo mật |
Payload | Phần mềm độc hại hoặc mã lệnh được triển khai sau khi khai thác lỗ hổng. |
Privilege Escalation | Quá trình nâng quyền của người dùng, từ quyền cơ bản lên quyền quản trị để có thể kiểm soát hệ thống. |
Backdoor | Cổng phụ được tạo ra để kẻ tấn công có thể truy cập vào hệ thống mà không bị phát hiện. |
Lưu ý khi thực hiện Pentest
Khi thực hiện Pentest, bạn cũng cần chú ý một số điều sau:
- Đảm bảo tuân thủ pháp luật: Chỉ thực hiện pentest khi có sự cho phép chính thức từ chủ sở hữu hệ thống. Việc không có sự đồng ý có thể vi phạm pháp luật.
- Lập kế hoạch rõ ràng: Cần có kế hoạch chi tiết để tránh ảnh hưởng đến hệ thống trong quá trình kiểm thử. Bao gồm phạm vi, thời gian và phương pháp thực hiện.
- Sử dụng công cụ phù hợp: Chọn công cụ kiểm thử phù hợp với mục tiêu để đảm bảo kết quả chính xác và hiệu quả, như quét mạng hay kiểm tra ứng dụng web.
- Cải thiện sau kiểm thử: Dựa trên kết quả kiểm thử, cải thiện bảo mật của hệ thống. Vá lỗ hổng và nâng cấp các biện pháp phòng ngừa để tránh tấn công.
Các câu hỏi thường gặp
Pentest khác gì với quét bảo mật tự động?
Quét bảo mật tự động thường sử dụng phần mềm để phát hiện các lỗ hổng mà không cần nhiều sự can thiệp của con người. Trong khi đó, pentest là quá trình thủ công, có sự tham gia của các chuyên gia bảo mật. Họ sử dụng nhiều kỹ thuật tấn công sáng tạo để kiểm tra các lỗ hổng, giúp tìm ra những điểm yếu mà phần mềm tự động không thể phát hiện.
Làm thế nào để chuẩn bị cho một cuộc Pentest?
Để chuẩn bị cho pentest, bạn cần xác định phạm vi kiểm thử, thu thập thông tin cần thiết (địa chỉ IP, tên miền, ứng dụng cần kiểm thử). Đồng thời đảm bảo có sự đồng ý chính thức từ các bên liên quan. Ngoài ra, bạn cũng nên lập kế hoạch chi tiết về thời gian, mục tiêu và phạm vi kiểm thử.
Pentest có thể giúp tránh các cuộc tấn công thực tế không?
Pentest không thể đảm bảo ngừng hoàn toàn các cuộc tấn công. Nhưng nó giúp giảm đáng kể rủi ro bằng cách phát hiện và khắc phục các lỗ hổng bảo mật trước khi chúng bị lợi dụng.
Lời kết
Mong rằng bài viết tìm hiểu Penetration Testing là gì của LANIT sẽ giúp bạn vận dụng phương pháp này hiệu quả và nâng cấp bảo mật website của mình. Việc đầu tư vào Pentest yêu cầu rất nhiều chi phí đắt đỏ và đội ngũ chuyên nghiệp do đó hãy cân nhắc nhiều yếu tố trước khi quyết định.
Bài viết mọi người cùng tìm hiểu: