DDNS là gì?
DDNS (Dynamic Domain Name System hoặc Dynamic DNS) là dịch vụ cho phép ánh xạ địa chỉ IP động thành tên miền tĩnh, cung cấp tên máy chủ cố định cho tài nguyên có địa chỉ IP thay đổi liên tục. Hay nói cách khác, dịch vụ DDNS cho phép người dùng kết nối với hệ thống của mình mọi lúc, mọi nơi mà không cần địa chỉ IP cố định.
Các loại Dynamic DNS
Có 2 loại DDNS chính là DDNS dựa trên tiêu chuẩn và DDNS độc quyền. Cụ thể:
DDNS dựa trên tiêu chuẩn:
DDNS dựa trên tiêu chuẩn là một dạng DNS động, đây là cơ chế chuẩn hóa để mở rộng giao thức DNS, đi kèm với hệ thống bảo mật. Bao gồm các bản cập nhật tự động, nó tuân thủ theo tiêu chuẩn và thường được dùng như một phần mở rộng trong hệ thống DHCP.
Các công ty/tổ chức đã thực hiện dịch vụ DDNS cho các ứng dụng của Microsoft. Các ứng dụng này giúp hệ thống hoạt động đầy đủ và tiết kiệm thời gian hơn trong việc điều chỉnh cấu hình cập nhật động.
DDNS độc quyền
Ngoài cách triển khai DDNS tiêu chuẩn, thì cũng có cách triển khai tùy chỉnh bằng cách sử dụng HTTP với một tập hợp thông tin xác thực của người dùng để đăng nhập và thay đổi bản ghi DNS khi cần.
Cách thức hoạt động của DDNS Server
Với DDNS, cách thức hoạt động phụ thuộc vào chương trình chạy trên máy tính người dùng là DDNS Client. Nó có nhiệm vụ chính là theo dõi, kiểm tra sự thay đổi của địa chỉ IP tại host, nhận biết khi nào địa chỉ thay đổi. Mỗi khi địa chỉ IP có sự thay đổi, Dynamic DNS Client sẽ tiến thành cập nhật địa chỉ IP của bạn, thông báo tới hệ thống DNS. Đảm bảo rằng địa chỉ này vẫn được liên kết đúng với tên miền.
Dù máy chủ có thay đổi địa chỉ IP thường xuyên, liên tục thì hệ thống DNS này vẫn có thể tìm ra được và sẽ trả địa chỉ tên miền về đúng với địa chỉ IP mới một cách chính xác nhất.
Quy trình DDNS hoạt động diễn ra theo các bước sau:
- Bước 1: Người dùng tạo tài khoản trên một dịch vụ DDNS và một tên miền sẽ được gán
- Bước 2: Cấu hình trên thiết bị mạng để liên kết với tài khoản DDNS
- Bước 3: Thiết bị được cấu hình DDNS sẽ liên tục theo dõi địa chỉ IP hiện tại của mạng
- Bước 4: Phần mềm DDNS sẽ phát hiện IP mới ngay sau khi ISP cập nhật và gửi thông tin địa chỉ IP đó đến máy chủ DDNS thông qua giao thức HTTP/HTTPS/API. Sau đó, DDNS Server sẽ cập nhật địa chỉ IP này vào bản ghi DNS liên quan đến tên miền.
- Bước 5: Khi người dùng nhập tên miền vào trình duyệt, yêu cầu này sẽ được gửi tới DNS Server, và DNS Server sẽ hỏi DDNS Server để lấy địa chỉ IP mới nhất được liên kết với tên miền. Sau đó DNS server sẽ trả về IP mới và kết nối đến mạng nội bộ được thiết lập.
- Bước 6: Sau khi đã có địa chỉ IP mới, người dùng có thể truy cập thiết bị trong mạng hoặc các dịch vụ chạy trên đó.
Lợi ích của Dynamic DNS Server
Tại sao DDNS lại hữu ích? Cùng LANIT tìm hiểu những lợi ích khi sử dụng DDNS nhé
Truy cập từ xa
Dịch vụ DDNS cho phép bạn kết nối với các thiết bị mạng gia đình hoặc văn phòng từ xa qua Internet, từ bất kỳ đâu mà không cần quan tâm đến sự thay đổi địa chỉ IP. Bạn có thể truy cập các tệp chia sẻ, RDP, VPN hay các dịch vụ yêu cầu kết nối từ xa bằng cách sử dụng tên máy chủ thay vì nhớ địa chỉ IP thay đổi liên tục.
Tự động hóa việc quản lý IP:
DDNS tự động cập nhật địa chỉ IP mới mỗi khi có IP thay đổi, nó giúp xử lý các thay đổi IP động một cách liền mạch, chính xác mà không cần sự can thiệp của người dùng. Điều này giúp bạn tiết kiệm được thời gian, công sức đáng kể.
Khả năng tiếp cận
Với DDNS Server, nó rất hữu ích trong việc lưu trữ website và dịch vụ web trên các mạng động, giúp bạn dễ dàng truy cập máy chủ hoặc trang web. Ngay cả khi địa chỉ IP thay đổi, bạn sẽ không bị gián đoạn công việc hay các hoạt động trực tuyến khác.
IoT/Kiểm soát thiết bị:
Dịch vụ DDNS giúp bạn dễ dàng quản lý và truy cập các thiết bị IoT như camera, cảm biến, máy điều hòa thông minh từ xa bằng tên miền được cấu hình cho chúng.
Cải thiện bảo mật
Việc truy cập tài nguyên trên mạng riêng một cách an toàn bằng VPN, SSL,…sẽ dễ dàng hơn nhiều khi bạn có tên máy chủ tĩnh để kết nối. Dịch vụ DDNS cho phép bạn cấu hình thiết bị để chỉ cho phép lưu lượng truy cập từ một số máy nhất định, hạn chế quyền truy cập để ngăn chặn người dùng trái phép.
Tiết kiệm chi phí
DDNS giúp bạn tiết kiệm chi phí hơn khi không phải đầu từ nhiều thời gian và nguồn lực vào việc cấu hình lại cài đặt giao thức TCP/IP hoặc điều chỉnh IPv4 của từng thiết bị khi có xung đột. Bạn sẽ không cần phải mất chi phí hơn cho việc đăng ký IP tĩnh. Giải pháp này phù hợp cho các các nhân, doanh nghiệp nhỏ.
So sánh sự khác biệt giữa DNS và DDNS
DDNS là phần mở rộng của dịch vụ DNS và đều được thiết kế để thực hiện tra cứu từ tên máy chủ đến địa chỉ IP. DDNS có khả năng tự động cập nhật địa chỉ IP liên kết với tên miền theo thời gian thực, giúp nó hoạt động hiệu quả trong môi trường có địa chỉ IP động.
Điểm khác biệt giữa DDNS và DNS chính là tần suất cập nhật bản ghi của DNS Server. Với DNS, bản ghi được cập nhật thủ công bởi chủ sở hữu khi cơ sở hạ tầng của nó thay đổi. Còn DDNS, việc cập nhật diễn ra tự động và thường xuyên hơn để đảm bảo DNS Client có quyền truy cập vào thông tin mới nhất.
DNS được hỗ trợ rộng rãi bởi tất cả máy chủ DNS và triển khai trên toàn cầu. Trong khi đó, DDNS cần sự hỗ trợ từ các nhà cung cấp DDNS. Bạn cần đăng ký dịch vụ DDNS và cấu hình thiết bị của mình để tương tác với nhà cung cấp DDNS.
So với DNS, DDNS có tính linh hoạt cao hơn và tự động cập nhật, nên dịch vụ này trở thành lựa chọn ưu tiên trong các môi trường có địa chỉ IP động.
DDNS Server được sử dụng phổ biến trong trường hợp nào?
DDNS là một trong những dịch vụ mang lại nhiều lợi ích trong các tình huống mà thiết bị được gán địa chỉ IP động. DDNS được ứng dụng trong các trường hợp sau:
- Máy chủ tại nhà: Nếu bạn sử dụng web cá nhân, máy chủ game hoặc lưu trữ file tại nhà. DDNS sẽ giúp bạn truy cập máy chủ liên tục thông qua tên miền cố định, ngay cả khi IP thay đổi thường xuyên.
- Truy cập Camera từ xa: Người dùng có thể sử dụng DDNS để truy cập và xem Camera tại nhà từ xa, DDNS giúp kết nối của bạn ổn định hơn thông qua tên miền cố định.
- Sử dụng VPN và máy tính từ xa: Việc truy cập mạng từ xa với VPN hoặc các máy tính từ xa sẽ dễ dàng hơn với DDNS, cho phép kết nối không bị gián đoạn ngay cả khi thay đổi địa chỉ IP.
- Thiết bị IoT hoặc hệ thống nhà thông minh: DDNS ứng dụng nhiều trong việc quản lý các thiết bị IoT và hệ thống nhà thông minh, đảm bảo khi IP nhà bạn thay đổi thì bạn vẫn có thể truy cập các thiết bị thông minh trong nhà từ mọi vị trí.
- Server game và phương tiện phát trực tuyến: DDNS cung cấp quyền truy cập nhất quán vào máy chủ của bạn, bất kể ISP thay đổi IP của bạn.
Bằng cách tự động cập nhật địa chỉ IP mới, DDNS giúp bạn tiết kiệm thời gian theo dõi và cập nhật các thay đổi IP thủ công, mang lại sự tiện lợi và tiết kiệm chi phí hơn so với IP tĩnh.
Lời kết
Trên đây, LANIT đã chia sẻ chi tiết về DDNS – một dịch vụ cho phép ánh xạ tên miền với địa chỉ IP động. Đây được xem là giải pháp hữu ích nếu bạn muốn sử dụng mạng với IP động, giúp bạn truy cập ổn định vào mạng nội bộ từ bên ngoài.
Nếu bạn cần mua tên miền giá rẻ và Hosting giá rẻ cho tên miền của mình, liên hệ ngay LANIT để được từ vấn chi tiết nhé!