CVE là gì?
CVE (Common Vulnerabilities and Exposures) là một hệ thống chuẩn để xác định và mô tả các lỗ hổng bảo mật trong phần mềm và hệ thống. Mục tiêu của CVE là cung cấp một danh sách công khai và nhất quán về các lỗ hổng, giúp các tổ chức, nhà phát triển và người dùng dễ dàng theo dõi và xử lý các vấn đề bảo mật.
Quá trình hình thành CVE là gì?
Vậy khi nào một Common Vulnerabilities and Exposures (CVE) được công nhận là một lỗ hổng bảo mật? Để trở thành CVE, lỗ hổng cần đáp ứng những tiêu chí sau đây:
Đầu tiên, lỗ hổng bảo mật phải được xác định là có ảnh hưởng tiêu cực đến vấn đề an ninh. Có nghĩa là lỗ hổng này phải được công nhận bởi nhà cung cấp và được ghi lại trong văn bản chính thức, đồng thời chỉ rõ rằng nó gây ra tác động bất lợi đến an toàn thông tin.
Thứ hai, lỗ hổng này phải được xử lý một cách riêng biệt, khác với các lỗi khác. Việc khắc phục lỗ hổng CVE cần phải độc lập, và khi được sửa chữa, nó không ảnh hưởng đến các thành phần khác của hệ thống.
Cuối cùng, lỗ hổng bảo mật phải có liên quan đến một cơ sở mã (codebase) cụ thể. Mỗi lỗ hổng phải được ánh xạ đến một codebase nhất định, và nếu nó ảnh hưởng đến nhiều codebase, cần phải cấp mã CVE riêng biệt cho từng cái để quản lý một cách hiệu quả.
Tại sao CVE quan trọng trong bảo mật?
CVE đóng một vai trò quan trọng trong lĩnh vực bảo mật thông tin vì nhiều lý do:
Chuẩn hóa thông tin
CVE cung cấp một hệ thống chuẩn hóa để xác định và mô tả các lỗ hổng bảo mật. CVE giúp các tổ chức và nhà phát triển dễ dàng hiểu và tham khảo thông tin về các lỗ hổng mà không gặp khó khăn trong việc giải thích các thuật ngữ khác nhau.
Cải thiện an ninh mạng
Bằng cách theo dõi và quản lý các lỗ hổng CVE, các tổ chức có thể giảm thiểu rủi ro tấn công. Việc hiểu rõ các lỗ hổng bảo mật cho phép họ đưa ra các biện pháp bảo vệ kịp thời, ngăn chặn những mối đe dọa tiềm tàng.
Giảm thiểu thời gian phản ứng
Khi có một lỗ hổng bảo mật mới được phát hiện, thông tin CVE giúp các tổ chức nhanh chóng xác định các bản vá và phương pháp khắc phục. Ngoài ra, còn giảm thiểu thời gian phản ứng trước các mối đe dọa bảo mật, giúp bảo vệ hệ thống tốt hơn.
Được công nhận toàn cầu
CVE là một tiêu chuẩn được công nhận rộng rãi trong ngành bảo mật. Việc áp dụng CVE giúp các tổ chức đồng bộ hóa với các thực hành bảo mật toàn cầu và tăng cường sự tin cậy trong quy trình bảo vệ dữ liệu.
CVE Identifier là gì?
CVE Identifier (ID CVE) là một mã định danh duy nhất được cấp cho mỗi lỗ hổng bảo mật trong hệ thống CVE. Mỗi ID CVE giúp xác định và tham chiếu đến một lỗ hổng cụ thể một cách rõ ràng và nhất quán.
ID CVE thường có định dạng là CVE-YYYY-NNNN, trong đó:
- YYYY là năm mà lỗ hổng được công nhận.
- NNNN là một số thứ tự (sequence number) được cấp cho lỗ hổng trong năm đó.
Ví dụ: CVE-2021-34527 là mã ID cho một lỗ hổng cụ thể được công nhận vào năm 2021.
Zero-day – Nguy cơ tiềm ẩn đối với hệ thống bảo mật
Sau khi đã hiểu rõ về khái niệm CVE là gì, bạn nên tiếp tục khám phá lỗ hổng bảo mật Zero-day – một loại lỗ hổng xuất hiện khá phổ biến. Việc trang bị kiến thức và kinh nghiệm về Zero-day sẽ mang lại cho bạn những thông tin vô cùng quý giá và hữu ích.
Zero-day là thuật ngữ dùng để chỉ lỗ hổng bảo mật tồn tại trong phần mềm, phần cứng hoặc firmware mà các nhà phát triển hoặc nhà sản xuất chưa phát hiện ra hoặc chưa có biện pháp khắc phục. Hacker có thể khai thác những lỗ hổng này để tấn công ngay lập tức mà không cần chờ đợi. Do lỗ hổng chưa được công khai và vẫn chưa có bản vá, tên gọi “Zero-day” ám chỉ thời gian 0 ngày kể từ khi phát hiện lỗ hổng cho tới khi bị tấn công.
Zero-day nguy hiểm đến mức nào?
Zero-day vô cùng nguy hiểm vì đây là lỗ hổng bảo mật chưa được phát hiện hoặc vá lỗi kịp thời. Các cuộc tấn công Zero-day thường rất khó phát hiện và ngăn chặn, dẫn đến hậu quả nghiêm trọng như rò rỉ dữ liệu nhạy cảm, làm gián đoạn hệ thống, hoặc chiếm quyền kiểm soát toàn bộ hệ thống của tổ chức. Nguy cơ càng lớn hơn khi lỗ hổng bị khai thác nhằm vào các tổ chức tài chính hoặc cơ sở hạ tầng quan trọng, gây thiệt hại lớn về cả tài chính và uy tín.
Một số cách ngăn chặn Zero-day hiệu quả
Dưới đây là một số cách ngăn chặn Zero-day hiệu quả như sau:
- Đảm bảo cập nhật phần mềm thường xuyên, luôn đảm bảo hệ điều hành và phần mềm có các bản vá bảo mật mới nhất.
- Áp dụng các giải pháp bảo mật tiên tiến, sử dụng trí tuệ nhân tạo để phát hiện các hoạt động đáng ngờ.
- Triển khai hệ thống phát hiện và ngăn chặn xâm nhập (IDS và IPS) giúp giám sát liên tục và đưa ra cảnh báo về các mối đe dọa, bảo vệ hệ thống trước những cuộc tấn công tiềm ẩn.
- Hãy kiểm tra và quét lỗ hổng bảo mật định kỳ giúp phát hiện các điểm yếu trong hệ thống, cho phép áp dụng bản vá kịp thời trước khi bị hacker khai thác.
- Kiểm soát truy cập mạng giúp cô lập các hệ thống quan trọng, giảm thiểu nguy cơ bị tấn công vào các thông tin nhạy cảm và tài sản quan trọng.
Lời kết
Có thể nói, CVE đóng vai trò quan trọng trong việc giúp bạn nhận diện và xử lý các lỗ hổng bảo mật hiệu quả hơn. Hy vọng bài viết trên đây của LANIT đã mang lại những kiến thức bổ ích cho bạn. Nếu bạn còn bất kỳ câu hỏi nào, đừng ngần ngại để lại bình luận, LANIT sẽ hỗ trợ bạn ngay!